Đưa Luật KTNN (sửa đổi) vào cuộc sống: Cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương

(kiemtoannn.gov.vn) - Để Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng ngoài sự nỗ lực của KTNN còn rất cần sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong việc quán triệt, chấp hành nghiêm các quy định của Luật.

Ban biên tập Website Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Thụ xung quanh vấn đề: Đưa Luật KTNN (sửa đổi) vào cuộc sống - Cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương.

Website KTNN: Thưa ông, Luật KTNN (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 với rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung. Theo đánh giá của ông, kể từ ngày 01/01/2016, khi Luật có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội Đất nước, đặc biệt là đối với vấn đề quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công?

Ông Bùi Đức Thụ: Luật KTNN sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, thay thế Luật KTNN ban hành năm 2005. Luật KTNN ban hành lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật KTNN năm 2005, như: Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; Mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán đối với cả doanh nghiệp dưới 50 vốn thuộc sở hữu nhà nước; Quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của KTNN; Sửa đổi một số quy định của Luật để đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của pháp luật, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng…

Chức năng của KTNN là kiểm tra, đánh giá xác nhận tính đúng đắn của các số liệu, tài liệu kế toán trên hai góc độ.

Thứ nhất: Kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ đó, xác nhận, làm rõ cái nào đúng, cái nào không đúng; đối với thu sai và trốn lậu thuế thì phải truy thu, đối với chi sai tiêu chuẩn, định mức, đối tượng thì phải xuất toán và kiến nghị thu hồi; những vấn đề bất cập do cơ chế chính sách thì phải kiến nghị để sửa đổi các văn bản, hoàn thiện khung khổ pháp lý. Như vậy, kiểm toán tuân thủ có ý nghĩa tăng cường kỷ luật, lập lại trật tự kỷ cương, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, là lĩnh vực đang “nóng” và có nhiều biểu hiện của thất thoát.

Thứ hai: KTNN xem xét, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công xem việc quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực đã hợp lý chưa, chất lượng đến đâu, do nguyên nhân nào, để từ đó kiến nghị với Nhà nước, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rà soát, cơ cấu lại việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả hơn, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương, qua đó mở rộng thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, dỡ bỏ bảo hộ đối với sản xuất trong nước rất nhanh và sâu rộng thì việc KTNN kiến nghị với Nhà nước nhằm đảm bảo tính kinh tế, tính hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công chính là góp phần nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế, đảm bảo được yêu cầu thắng lợi trong cạnh tranh ở một “sân chơi” lớn.

Sửa đổi Luật KTNN lần này không chỉ là cơ hội, mà còn là điều kiện để đổi mới tổ chức và hoạt động của KTNN, đồng thời không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN.

Website KTNN: Với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như vậy, theo ông, làm thế nào để đưa những nội dung đổi mới của Luật vào đời sống một cách hiệu quả?

Ông Bùi Đức Thụ: Để đưa những nội dung mới nói riêng, Luật KTNN (sửa đổi) nói chung vào đời sống thì cần phải tập trung triển khai nhiều vấn đề:
Thứ nhất: Tập trung rà soát, soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN (sửa đổi). Theo quy định tại Điều 154 của Luật ban hành văn bản pháp luật, khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Vì vậy, KTNN phải rà soát, dự thảo, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, như: hệ thống chuẩn mực KTNN, quy chế làm việc của Hội đồng KTNN, quy định cụ thể về việc sử dụng cộng tác viên, về tổ chức, hoạt động của các đơn vị trực thuộc KTNN…

Luật KTNN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Thời gian từ nay đến ngày Luật có hiệu lực thi hành không nhiều, khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn. Vì vậy, đề nghị KTNN cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời để các quy định của Luật sớm đi vào đời sống.

Thứ hai: Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các quy định mới của Luật KTNN (sửa đổi). Luật KTNN lần này đã sửa đổi, quy định nhiều nội dung mới về tổ chức và hoạt động của KTNN. Để Luật sớm đi vào đời sống, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì cần phải học tập, phổ biến, tuyên truyền về Luật KTNN không chỉ đối với cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong hệ thống cơ quan KTNN, mà còn đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là đối tượng áp dụng Luật. Trên cơ sở đó, tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định của Luật KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thứ ba: Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết việc triển khai thực hiện Luật KTNN để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Để bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động của KTNN thì cần thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của KTNN. Bất cứ trường hợp sai phạm nào phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có những bất cập trong quy định thì cần đề nghị sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của KTNN và cũng là chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Thứ tư: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện. Để đưa Luật KTNN vào đời sống, không chỉ cần sự nỗ lực của các đơn vị, cá nhân trong cơ quan KTNN mà đòi hỏi có sự ủng hộ, phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các đối tượng được kiểm toán, các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý tài chính, ngân sách… Việc KTNN ký quy chế phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, nhất là Luật KTNN, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm toán tài chính công, tài sản công.

Website KTNN: Nâng cao tính độc lập, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN là mục tiêu quan trọng khi sửa đổi Luật KTNN. Để đạt được điều này, theo ông, ngoài sự nỗ lực của KTNN thì các Bộ, ngành, địa phương cần thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào để các quy định của Luật thực sự phát huy tác dụng?

Ông Bùi Đức Thụ: Tại Điều 118 của Hiến pháp đã quy định rõ địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Luật KTNN (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định này trong tổ chức và hoạt động của KTNN, của từng tổ chức, cá nhân trong KTNN. Do vậy, để bảo đảm tính độc lập, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức thực hiện của KTNN.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, trước hết phải quán triệt, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung, của Luật KTNN (sửa đổi) nói riêng, không được phép can thiệp trái pháp luật vào tổ chức và hoạt động của KTNN. Luật KTNN sửa đổi lần này cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến hoạt động KTNN và việc thực hiện những quy định này chính là tạo lập mối quan hệ trong hoạt động kiểm toán của KTNN, bảo đảm nâng cao tính độc lập, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HỒNG (Thực hiện)
Ảnh: VIỆT DŨNG