Triển khai đồng bộ, sát thực nhằm sớm đưa Luật Kiểm toán Nhà nước vào cuộc sống

Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2006 đánh dấu một bước phát triển mới của KTNN trong điều kiện phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Luật ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại kỷ cương quản lý tài chính ngân sách phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nguồn lực công. Luật KTNN đã khẳng định rõ địa vị pháp lý tương xứng của KTNN: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chức năng nhiệm vụ cũng như các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN.

Đỗ Bình Dương

ủy viên BCH Trung ương Đảng,

Tổng Kiểm toán Nhà nước

 

          Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2006 đánh dấu một bước phát triển mới của KTNN trong điều kiện phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Luật ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại kỷ cương quản lý tài chính ngân sách phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nguồn lực công. Luật KTNN đã khẳng định rõ địa vị pháp lý tương xứng của KTNN: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chức năng nhiệm vụ cũng như các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN.

          Ngoài chức năng nhiệm vụ hiện hành, Luật KTNN quy định một số nhiệm vụ mới, đó là: KTNN có trách nhiệm trình bày ý kiến của mình để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia với ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho các dự án, công trình quan trọng  quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia với ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khi có yêu cầu trong việc giám sát.

          KTNN có nhiệm vụ cung cấp kết quả kiểm toán phục vụ công tác quản lý, điều hành tài chính- ngân sách của các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ; cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát của Quốc hội, đồng thời KTNN cũng cung cấp thông tin giúp Hội đồng Nhân dân trong việc quyết định và  giám sát thực hiện ngân sách địa phương. Các quy định về tổ chức và hoạt động trong Luật KTNN phù hợp với tiến trình phát triển KTNN nói riêng và tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế của quốc gia nói chung. Các quy định trong Luật cơ bản phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về KTNN. Đây là các quy định được tiếp thu, chọn lọc, nghiên cứu của KTNN nhiều nước trên thế giới và vận dụng vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.

          Để biến các quy định của Luật thành hiện thực, đưa các điều luật đi vào thực tiễn cuộc sống thì việc triển khai thực hiện Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quá trình triển khai thực hiện Luật phải quán triệt mục đích của hoạt động KTNN được quy định tại Điều 3 Luật KTNN: "Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước". Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, nhiều hiện tượng tiêu cực, lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân đang trở thành quốc nạn thì việc triển khai thực hiện Luật KTNN nhằm xây dựng KTNN trở thành công cụ mạnh của nhà nước để cùng với các cơ quan kiểm tra, giám sát khác góp phần quan trọng vào mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực là điều có ý nghĩa quan trọng.

          Để triển khai đồng bộ, nhanh chóng và sát thực sớm đưa Luật KTNN vào cuộc sống, toàn ngành KTNN cần tập trung thực hiện tốt các công việc sau đây:

          1. Khẩn trương tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong ngành nghiên cứu, học tập để hiểu Luật KTNN, nhất là những quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; đơn vị được kiểm toán, hoạt động kiểm toán nhà nước và những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật KTNN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

          Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật KTNN, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm toán cho đội ngũ cán bộ, công chức trong các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị tham mưu, trong đó tập trung vào đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước.

          2. Khẩn trương xây dựng, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KTNN về các vấn đề: Cơ cấu tổ chức của KTNN; chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch Kiểm toán viên nhà nước; quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước; công khai báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức KTNN; quy định việc kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh…

          Xây dựng trình Tổng KTNN ban hành các chuẩn mực KTNN; ban hành quyết định, chỉ thị, chế độ công tác; quy chế, quy trình và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán áp dụng trong tổ chức và hoạt động KTNN; quy định chi tiết, cụ thể về quy trình kiểm toán và hồ sơ kiểm toán…

- Thành lập các Tổ công tác theo từng chuyên đề để tham mưu cho Tổng KTNN nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc Tổng KTNN ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KTNN.

3. Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Văn phòng KTNN và các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Tổng KTNN ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng Luật KTNN tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN và trong toàn xã hội.

- Vụ Pháp chế có trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật KTNN (Đề cương tuyên truyền Luật KTNN; hỏi đáp Luật KTNN) cho cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện cho việc nghiên cứu, hiểu và thực hiện Luật KTNN được thống nhất.

- Vụ Pháp chế phối hợp với Văn phòng KTNN, Tạp chí Kiểm toán đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật KTNN trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình ở trung ương và địa phương; Tạp chí Kiểm toán- cơ quan ngôn luận của KTNN mở chuyên mục “Tìm hiểu Luật KTNN” để tuyên truyền kịp thời và thường xuyên về Luật KTNN và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân.

4. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong ngành giúp Tổng KTNN xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy của KTNN bảo đảm đủ sức hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với địa vị pháp lý của KTNN.

5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc KTNN có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Luật KTNN cho cán bộ, công chức, kiểm toán viên thuộc đơn vị mình quản lý theo kế hoạch của Tổng KTNN và hướng dẫn của Vụ Pháp chế; gắn việc triển khai thi hành Luật KTNN với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đã được Tổng KTNN giao bảo đảm chất lượng kiểm toán và tiến độ thời gian theo yêu cầu.

6. Văn phòng KTNN chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Tổng KTNN xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền các đề án, dự án, kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ hoạt động KTNN.

7. Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng và trình Tổng KTNN phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2006 và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giai đoạn 2006- 2010 nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc tiếp tục hoàn thiện các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN phù hợp với địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của KTNN theo quy định của Luật KTNN, trong đó tập trung vào các vấn đề cấp thiết như nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn và thi hành Luật KTNN; hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán; các giải pháp tăng cường chất lượng hoạt động kiểm toán, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN; ứng dụng công nghệ tin học vào hoạt động kiểm toán của KTNN…

8. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng hơn nữa, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ, các hình thức hợp tác đa phương và song phương với các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế về KTNN; tranh thủ tốt nhất sự giúp đỡ của các tổ chức và cơ quan KTNN các nước trên thế giới, nhất là kinh nghiệm đào tạo cán bộ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước ngang bằng với KTNN các nước trong khu vực và trên thế giới.

Luật KTNN là một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh tế- tài chính của Nhà nước ta, có vị trí trung tâm trong hệ thống các quy định về kiểm tra, kiểm soát nền kinh tế, là công cụ pháp lý để kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực tài chính công, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao vị trí, vai trò, hiệu lực pháp lý và chất lượng kiểm toán nhà nước như một công cụ mạnh của Nhà nước. Do vậy việc triển khai thi hành Luật KTNN có một ý nghĩa hết sức to lớn và mang tính quyết định. Trong số các vấn đề trên, có những công việc phải tiến hành khẩn trương, kịp thời; có những công việc đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sự phối hợp của các cấp, các ngành, song trách nhiệm trước hết thuộc về KTNN, chúng ta phải tự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ngang tầm với vị thế mới, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần làm minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.