Tham gia đoàn công tác là hơn 50 đồng chí đảng viên mới được kết nạp Đảng trong 6 tháng đầu năm 2017 và các đoàn viên thanh niên đại diện cho các chi đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên KTNN. Đồng chí Lại Xuân Nghị, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự với Đoàn Thanh niên KTNN còn có đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương (Đoàn Khối) và đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đoàn Khối.
Tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Đoàn Thanh niên KTNN đã dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trước anh linh của các liệt sỹ, Đoàn bày tỏ niềm thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nén hương tri ân như một lời ghi nhớ, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đã tạo niềm tin, động lực để thế hệ trẻ KTNN tiếp tục học tập, lao động và cống hiến, góp phần xây dựng Ngành KTNN trở thành cơ quan kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.
Trong khuôn khổ chương trình về nguồn, tại Đài dâng hương, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường sơn, Đoàn Thanh niên KTNN đã trao 30 suất quà tình nghĩa tổng giá trị 20 triệu đồng cho 10 hộ gia đình chính sách và 20 suất học bổng khuyến học cho 20 trẻ em hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các xã: Linh Thượng, Vĩnh Trường, Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn được xem là những nghĩa trang không mộ của hàng vạn đồng bào, chiến sỹ cả nước đã anh dũng hy sinh, nhất là trong 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9), chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972.
Năm 1972, Quảng Trị được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch. Báo chí phương Tây lúc bầy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirôshima (Nhật Bản) năm 1945.
Cùng với thắng lợi trên cả nước, thắng lợi ở mặt trận Quảng Trị trong năm 1972 đã góp phần làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta trong thời gian tiếp theo.
Trải qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, thành cổ chỉ còn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng Tiền và cổng Hậu. Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạn thành và cổng Tiền được tu sửa lại. Chính giữa thành cổ hiện nay là một đài tưởng niệm những chiến sĩ đã hi sinh trong 81 ngày đêm "máu và hoa".
Ngày 12/12/1986, thành cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập 10.263 phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam và là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.
Nghĩa trang Trường Sơn được chia thành 10 khu vực theo địa phương: Hà Nội, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tiên... nơi các liệt sĩ được sinh ra và một khu dành cho 68 liệt sĩ khuyết danh. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí, được 21 quản trang trông nom, giữ gìn chu đáo.
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 được nâng cấp, xây dựng từ nghĩa trang liệt sỹ thị xã Ðông Hà (có từ năm 1983- 1984). Vị trí toạ lạc của nghĩa trang Ðường 9 nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng quốc lộ 9.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - nguỵ, nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công thật hào hùng và oanh liệt; đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965 - 1972.
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320...
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 có tổng diện tích là 13 ha với quy tụ 10.700 phần mộ liệt sỹ (con số tương đối vì có những ngôi mộ tập thể). Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; có 785 mộ xác định chưa đầy đủ; còn lại chưa rõ tên tuổi. Trong số này có 8 anh hùng liệt sỹ hội đủ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Phần mộ liệt sỹ biết đầy đủ họ tên, quê quán được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương./.
Hải Ninh