Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

(sav.gov.vn) - Sáng 21/7/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 661 điểm cầu với 1.089.000 đại biểu tham gia học tập.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, Bí thư các tỉnh, thành ủy…

Tại điểm cầu Hội trường Kiểm toán nhà nước, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Lãnh đạo KTNN, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Tổ công tác viên dư luận xã hội cấp Đảng ủy KTNN, Ủy viên BCH các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ KTNN...

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày với 4 chuyên đề về: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai sẽ truyền đạt các chuyên đề còn lại.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4/5 đến ngày 10/5/2022, tại Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị, Trung ương đưa ra thảo luận, lấy ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và một số nội dung quan trọng khác…

Ngày 16/6/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 4 Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, là Nghị quyết 18, 19, 20 và Nghị quyết số 21.

Nghị quyết số 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" nêu rõ 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Nghị quyết nêu 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; và tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các loại đất được sử dụng đa mục đích; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu KTNN

Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết hướng tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nghị quyết cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để các Bộ, ngành địa phương các cơ quan liên quan triển khai thực hiện…

Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh đến việc đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Phấn đấu đến năm 2030, hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hàng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 21 hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đồng thời yêu cầu coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.

Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện Điều lệ Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ công tác, trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm… Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cơ sở về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm./.

 Phương Vân

Phương Ngọc