Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Thực hiện chương trình làm việc năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước và Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) về việc sơ kết 04 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy KTNN đã ban hành Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 103-NQ/ĐU ngày 11/3/2021 về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước”.

Năm 2023, với nhiệm vụ trọng tâm của năm là hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN, trong 06 tháng đầu năm, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng thể chế của năm. Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra tại Nghị quyết đến nay cơ bản đã hoàn thành, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn, có chất lượng cao.

Rà soát các quy định về KTNN trong các Luật, hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của KTNN trong hệ thống pháp luật Việt Nam

 
Để thực hiện Nghị quyết 103-NQ/ĐU, ngày 03/3/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-KTNN về thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó năm 2022 tập trung nghiên cứu các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và các Luật có liên quan; nghiên cứu các quy định của Đảng về KTNN; khuyến nghị của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và kinh nghiệm của KTNN (SAI) một số nước. Dự kiến cuối năm 2023 và năm 2024 tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015 và 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; hoàn thiện lập báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Việc rà soát Luật KTNN đang được Vụ Pháp chế chủ trì tiến hành theo kế hoạch.
 
Về xây dựng dự án Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, ngày 28/02/2023, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã được UBTVQH thông qua (Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố vào ngày 10/3/2023. Việc ban hành Pháp lệnh thể hiện bước tiến quan trọng trên phương diện lập pháp đối với lĩnh vực KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, có tác dụng răn đe đối với đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuân thủ pháp luật KTNN, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
 
Về sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan, KTNN đã tham gia và đề xuất, góp ý sửa đổi, bổ sung đối với nhiều dự án Luật quan trọng được các cơ quan, tổ chức soạn thảo gửi lấy ý kiến có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng. KTNN đã tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN và tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật KTNN và các Luật chuyên ngành.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về tổ chức và hoạt động của KTNN

KTNN tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực KTNN đảm bảo đầy đủ, phù hợp với Luật KTNN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN; chỉ đạo, định hướng về quan điểm và nội dung sửa đổi, thời gian, phương thức thực hiện và việc tổ chức dịch Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Theo kế hoạch dự kiến Hệ thống chuẩn mực KTNN sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành trong Quý II/2024.
 
Về xây dựng và hoàn thiện đầy đủ quy trình kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số, KTNN đã hoàn thiện các Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro theo chuẩn mực KTNN từng lĩnh vực. Xây dựng và ban hành Hướng dẫn tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán 05 lĩnh vực gồm: Báo cáo tài chính doanh nghiệp; Báo cáo tài chính ngân hàng; Báo cáo quyết toán dự án đầu tư; Báo cáo quyết toán đơn vị hành chính; Báo cáo tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Về tiếp tục rà soát để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Quy trình kiểm toán của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 08/2023/QĐ-KTNN ngày 29/5/2023 ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN thay thế Quyết định số 02/2020/QĐ-KTNN ngày 16/10/2020 để phù hợp với tình hình thực tế, Hệ thống chuẩn mực, hồ sơ mẫu biểu và Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN. Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.

Đến nay KTNN đã ban hành hướng dẫn kiểm toán thuộc các lĩnh vực: Kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; Kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương; Kiểm toán công tác quản lý nợ công; Kiểm toán ngân sách địa phương; Kiểm toán ngân sách bộ, ngành, cơ quan trung ương; Kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia; Kiểm toán hoạt động; Kiểm toán doanh nghiệp; Kiểm toán Công nghệ thông tin; Kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng; Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; Kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Kiểm toán môi trường…
 
Về xây dựng và hoàn thiện hệ thống hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán, ngày 10/01/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 01/2023/QĐ-KTNN ban hành hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán thay thế Quyết định số 01/2020/QĐ-KTNN. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm hiệu lực thi hành của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (từ ngày 01/5/2023), Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định số 09/2023/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi một số mẫu biểu được ban hành kèm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-KTNN. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán (ban hành kèm theo Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN): Sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán trong việc lập biên bản kiểm toán, ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Ngày 02/6/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã có Quyết định số 811/QĐ-KTNN ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
 
Về xây dựng và ban hành quy định về việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, đơn vị chủ trì xây dựng - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII đã hoàn thành dự thảo Quy định về truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, đến nay Quy định trên vẫn chưa được ban hành do vướng mắc về thẩm quyền ban hành văn bản. Theo quy định tại Điều 26 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, nên việc ban hành Quy định trên dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật là chưa phù hợp; bên cạnh đó, sau khi lấy ý kiến tham gia của các đơn vị bên ngoài cho thấy có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với nội dung của dự thảo.
 
Về xây dựng quy định về quản lý, sử dụng tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực KTNN; quy định về an ninh, an toàn mạng trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã rà soát, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 về Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN thay thế Quyết định số 1663/QĐ-TTg ngày 26/10/2020. Trên cơ sở đó, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước của KTNN và Hướng dẫn xác định bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN.
Để đảm bảo an ninh, an toàn mạng trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng Cổng trao đổi thông tin của Kiểm toán nhà nước và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Hiện nay, Trung tâm Tin học KTNN đang xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng KTNN, dự kiến sẽ trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trong Quý III/2023.
 
Về việc nghiên cứu xây dựng một số văn bản pháp luật hoàn thiện về cơ chế, chính sách cho các đơn vị trực thuộc KTNN, phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2018-2022 đã được Kiểm toán nhà nước xây dựng và Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006; đối với giai đoạn 2023-2025, KTNN đã tổng hợp và gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính.

Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 964/QĐ-KTNN ngày 15/7/2022 ban hành Quy chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của KTNN.

Đối với hoạt động báo in, báo điện tử, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 1475/QĐ-KTNN ngày 01/12/2022 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động báo in, báo điện tử của KTNN. Các định mức kinh tế - kỹ thuật còn lại và phương án giá được Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp chủ động làm việc với các Bộ, ngành có liên quan.

Đối với các danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, KTNN ủy quyền cho Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề xuất với Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã gửi Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ của KTNN.
 
Việc triển khai, khai thác kết quả của chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ phục vụ các mục tiêu chiến lược về hoàn thiện thế chế, phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN), KTNN đã vận động Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phê duyệt Chương trình hỗ trợ Tăng cường năng lực cho công chức KTNN giai đoạn 2023-2025; hoàn thiện các thủ tục và chính thức triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực và chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính công do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, với trọng tâm là tăng cường năng lực ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán tài chính đối với các chương trình. Bên cạnh đó, KTNN đã phối hợp với EU, KPMG và các đơn vị trong Ngành tổ chức 03 khóa đào tạo nâng cao với 21 học viên tham dự về phần mềm phân tích dữ liệu lớn (IDEA) do EU tài trợ.
 
Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ chuyên gia cho cuộc kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại lưu vực sông Mê Công do KTNN chủ trì, phù hợp với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2021, KTNN đã phối hợp với WB tổ chức Hội thảo tổng kết kinh nghiệm kiểm toán và xác minh kết quả các Dự án của WB nhằm mục đích hai Bên cùng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện để KTNN thực hiện đạt kết quả cao hơn những dự án do WB tài trợ trong thời gian tới.
 
Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, ph biến và thực hiện pháp luật về KTNN
       
Công tác tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, KTVNN đã được KTNN thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả; kịp thời cập nhật các Luật mới được Quốc hội thông qua; các Bộ Luật cơ bản có liên quan đến hoạt động của KTNN và các văn bản mới do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành cho cán bộ, công chức và KTVNN.

Hàng năm, KTNN đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KTNN và các văn bản Luật khác có liên quan cho cán bộ, công chức và KTVNN. Các nội dung tuyên truyền bao gồm các Luật mới được ban hành, các Luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN; các văn bản pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, như: Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và ban hành Kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán; Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán của KTNN…

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, KTNN đã kết hợp tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền và gửi tài liệu tuyên truyền để các đơn vị trực thuộc KTNN tự xây dựng phương án tuyên truyền đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình.

Thực hiện kiến nghị của Đoàn Kiểm tra số 4, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã đưa nội dung tập huấn kiến thức về Bộ Luật dân sự; Bộ Luật hình sự; Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước vào chương trình, kế hoạch phổ biến pháp luật để tổ chức thực hiện.

Đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu về pháp luật, KTNN đã mời các báo cáo viên có kinh nghiệm từ các cơ quan như: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an tham gia giảng dạy và giải đáp các vướng mắc của học viên. Thông qua công tác tuyên truyền đã kịp thời cập nhật các Luật mới, đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức và KTVNN.
 
Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN chưa đạt so với kế hoạch
         
Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN những năm gần đây tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt so với kế hoạch Năm 2021: 13/28 văn bản chưa ban hành, chiếm 25,7% kế hoạch; Năm 2022: 24/43 văn bản chưa ban hành, chiếm 55,81% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023: 03/21 văn bản chưa ban hành, chiếm 14,3% kế hoạch; một số văn bản phải chuyển qua nhiều năm.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến liên quan đến nội dung chuyên môn sâu về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, đầu tư, xây dựng, đất đai… KTNN không đủ thời gian triển khai lấy ý kiến góp ý của các KTNN chuyên ngành và khu vực có liên quan, chất lượng ý kiến còn hạn chế do thời gian gấp.
Một số hoạt động hợp tác, phối hợp với nhà tài trợ (các khóa đào tạo của KOICA và CAAF, Hội thảo với WB) trong năm 2021, 2022 bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đều thực hiện chủ yếu qua hình thức trực tuyến, phần nào làm giảm tính hiệu quả của các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động đào tạo, hội đàm chuyên môn.

Một số văn bản điều chỉnh các lĩnh vực mới phát sinh, nội dung khó và phức tạp nên cần nhiều thời gian nghiên cứu và lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, cũng như phải khảo sát, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài; số lượng văn bản tập trung nhiều vào một số đơn vị chủ trì như: Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Tổng hợp, nên các đơn vị chủ trì gặp khó khăn trong thực hiện tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Một số đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản chưa tập trung đúng mức đến công tác xây dựng văn bản, chưa bố trí nhân lực và thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế của Ngành; chưa chủ động báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện (qua Vụ Pháp chế) theo quy định nên ảnh hưởng đến công tác theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện với Lãnh đạo KTNN. Đội ngũ công chức có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm xây dựng pháp luật còn hạn chế; một số đơn vị chủ trì, Tổ soạn thảo văn bản chưa bám sát quy trình soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất là việc gửi Vụ Pháp chế thẩm định và việc tiếp thu ý kiến thẩm định trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
 
Tiếp tục quán triệt và thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tổ chức và hoạt động của KTNN
         
Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, KTNN chủ động bám sát yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, từ đó xác định các nhiệm vụ xây dựng thể chế thuộc trách nhiệm của KTNN để đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam và hệ thống văn bản pháp luật của KTNN.
            
Tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa đầy đủ và toàn diện quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
            
Hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực KTNN đảm bảo tiến độ; xây dựng quy định về việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; xây dựng Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng KTNN theo đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN đã ban hành.
            
Nhằm nâng cao chất lượng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ xây dựng văn bản theo kế hoạch được ban hành, KTNN yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm cần tập trung, bố trí nhân lực, thời gian hợp lý để hoàn thành; trong quá trình xây dựng văn bản phải tuân thủ đúng Quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước về tiến độ và chất lượng văn bản. Thủ trưởng các đơn vị có nhân sự tham gia Ban chỉ đạo, Tổ soạn thảo các văn bản pháp luật của Kiểm toán nhà nước tạo điều kiện về thời gian để các thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
            
Bên cạnh đó, KTNN nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi được yêu cầu; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật về KTNN bằng nhiều hình thức đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; tiếp tục tăng cường năng lực cho các đơn vị tham mưu; trong đó, chú trọng tăng cường công chức có trình độ pháp luật, chuyên môn kiểm toán, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng pháp luật cho Vụ Pháp chế và các đơn vị tham mưu xây dựng thể chế; quan tâm bố trí kinh phí hợp lý nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
              
KTNN sẽ tiếp tục triển khai các Dự án, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; khai thác, vận động các dự án dài hạn từ các nhà tài trợ và các đối tác phát triển song phương, đa phương; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới bám sát định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030./.
 
Khánh Vy